CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp

0

Mô hình khu công nghiệp sinh thái là mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp.

Các khu công nghiệp (KCN) đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam thông qua nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam đã và đang tạo ra các thách thức đặt ra yêu cầu giải quyết cấp bách tình trạng ô nhiễm tại các KCN ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân xung quanh, tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả. Nhiều giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên chưa được ứng dụng. Cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế. Các dịch vụ trong KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao…

Để giải quyết những thách thức trên, Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ đã tài trợ cho Việt Nam thực hiện dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”. Dự án được thực hiện trong gia đoạn 2015-2019, tiến hành xây dựng thí điểm khu công nghiệp sinh thái tại 3 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình), Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Khu công nghiệp Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ). Mục tiêu của hợp phần thí điểm là lựa chọn những ví dụ điển hình về cách mà các giải pháp công nghệ về sử dụng hiệu quả tài nguyên và các bon thấp được thực hiện. Mục tiêu cụ thể là đánh giá ít nhất 60 doanh nghiệp trong 3 khu công nghiệp đã lựa chọn, trong số đó phải xác định được những doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện và đầu tư cho các giải pháp sản xuất sạch hơn và có ít nhất 45 doanh nghiệp cắt giảm đáng kể lượng tiêu thụ nguyên vật liệu và điện năng.

Ba khu công nghiệp được tư vấn triển khai sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn nhằm giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, các chất gây ô nhiễm, cũng như cải thiện hiệu quả sử dụng nước và quản lý an toàn hóa chất. Đây được coi là một bước thay đổi ở cấp độ doanh nghiệp đóng góp vào việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện tại thành khu công nghiệp sinh thái.

 Dự án đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về Khu công nghiệp sinh thái, thúc đẩy các doanh nghiệp trong các KCN đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn…Kết thúc giai đoạn 1 của hợp phần “Đào tạo năng lực và tư vấn triển khai Sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam”, các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 32,86 tỷ đồng nhờ tiết kiệm nguyên vật liệu, nước, năng lượng và hóa chất…phục vụ sản xuất. Kết thúc giai đoạn 2, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng tiết kiệm được 1,39 tỷ đồng và tại Cần Thơ tiết kiệm được 13,99 tỷ đồng (Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, 2017).

Trên cơ sở các kết quả tích cực của sáng kiến KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí KCN sinh thái và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn phát triển KCN sinh thái. Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp (Nghị định 82/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).

Tuy nhiên, việc thiếu các quy định về việc trao đổi chất thải khiến việc tuần hoàn chất thải không được diễn ra giữa các doanh nghiệp. Trên thực tế, các cơ hội về cộng sinh công nghiệp chưa được đi vào thực hiện do yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động trong KCN khi phát thải thì phải xử lý các loại chất thải và tiến hành xả thải theo quy định mà chưa có quy định cho phép các doanh nghiệp được trao đổi chất thải với nhau và thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Các doanh nghiệp trong KCN trong khuôn khổ của Dự án có nhiều nhu cầu về trao đổi chất thải. Chẳng hạn tại KCN Hòa Khánh, tỉnh Đà Nẵng, hàng ngày nhà máy Vinamilk đang xử lý gần 2000m3 nước thải đạt chuẩn loại A. Trong khi nhà máy giấy bên cạnh đang cần phải mua nước để xử lý nguyên liệu với giá 7,000 VNĐ/m3 với chất lượng thậm chí có thể thấp hơn nước thải loại A. Việc trao đổi về nước thải giữa Vinamilk và nhà máy giấy này nếu có thể sẽ mang lại cả lợi ích kinh tế và môi trường cho doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc trao đổi không diễn ra do quy định không cho phép.

Tiềm năng nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái: Những kết quả đạt được của 3 mô hình thí điểm là tín hiệu cho thấy tiềm năng của việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng trên phạm vi cả nước, những yếu tố quan trọng quyết định thành công như sự đóng góp của khu vực tư nhân, công tác quy hoạch và quản lý KCN sinh thái, khuyến khích hoạt động cộng sinh trong và ngoài KCN, sử dụng hiệu quả tài nguyên, xây dựng mới các KCN sinh thái và tăng cường năng lực về KCN sinh thái cho các bên liên quan là những vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.