CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia

0

Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng. Nếu coi không gian mạng quốc gia là cơ thể con người thì hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia sẽ là hệ thống thần kinh trung ương. Mọi hoạt động diễn ra trong thế giới thực đều có sự hỗ trợ đắc lực từ không gian mạng và các thiết bị thông minh; sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực đã làm thay đổi cách thức con người tiến hành công việc, tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cuộc cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất và tạo ra giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, cách mạng số, không gian mạng kết nối toàn cầu với đặc tính không biên giới cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với an ninh của các hệ thống thông tin trọng yếu, khiến cho an ninh mạng không còn là vấn đề của riêng một quốc gia, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, thách thức to lớn đối với an ninh của mỗi nước.

VAI TRÒ ĐẢM BẢO AN NINH MẠNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG THÔNG TIN TRỌNG YẾU QUỐC GIA

Hiện nay, các chiến dịch tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng trên quy mô lớn nhằm vào hệ thống thông tin trọng yếu của các quốc gia liên tục diễn ra, gây ra những hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh mạng đang là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia. Cựu Tổng thống Mỹ B. Obama cho rằng, đe dọa về an ninh mạng là một trong các thách thức về kinh tế và an ninh quốc gia (ANQG) nguy hiểm nhất đối với nước Mỹ [1]. Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức công nhận không gian mạng là một lãnh thổ mới, có tầm quan trọng ngang hàng các lãnh thổ khác trong chiến tranh như trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian [2]. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định phát triển chiến lược an ninh mạng mới toàn diện hơn là một trong 04 ưu tiên hàng đầu của nước Mỹ và đã ban hành Sắc lệnh an ninh mạng ngay trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, trong điều kiện hiện nay, “sức sát thương” của các cuộc tấn công thông tin có thể cao hơn bất kỳ loại vũ khí thông thường nào và đã ban hành học thuyết an ninh mạng mới ngày 05/12/2016, nhằm bảo đảm hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia của Nga hoạt động ổn định cả trong trường hợp nước này bị ngắt kết nối với cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu, đồng thời thử nghiệm độ tin cậy của hệ thống thông tin trọng yếu nội địa trong tình huống nước này bị ngắt kết nối Internet do ảnh hưởng của tấn công mạng.

Với Trung Quốc, không gian mạng đã được coi là chiến trường thứ năm và là mặt trận tình báo mới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, không thể có ANQG nếu không có an ninh mạng, Internet và an ninh thông tin đã trở thành thách thức mới đối với Trung Quốc vì cả hai đều gắn liền với ANQG và ổn định xã hội [3]. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng xác định, không gian mạng đã trở thành một trụ cột mới cho phát triển kinh tế – xã hội [4]. Để đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm an ninh mạng, Trung Quốc liên tục có những thay đổi, bổ sung, xây dựng tạo lập chính sách và hành lang pháp lý.

Năm 2020, Trung Quốc ban hành Luật An ninh mạng mới thay thế Luật An ninh mạng có hiệu lực từ tháng 6/2017. Đồng thời, ban hành quy định về “phương pháp đánh giá an ninh mạng”, gồm hệ thống các tiêu chí đánh giá về an ninh mạng và mức độ tin cậy của chuỗi cung ứng cho cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc. Theo đó, các hoạt động mua sắm sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng phục vụ hạ tầng mạng quan trọng phải được đánh giá về an ninh mạng và chỉ được thực hiện sau khi vượt qua các đánh giá về an ninh mạng.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Nhiều chính sách, pháp luật được ban hành nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh mạng, như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) và các văn bản hướng dẫn thi hành… Thông qua việc ban hành các văn bản chính sách, pháp luật, nước ta đã chính thức xác định và thừa nhận tầm quan trọng của các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia hay được gọi là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Theo đó, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng [5].

Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được xác định trong các lĩnh vực bao gồm: quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu; lưu trữ, xử lý thông tin thuộc BMNN; lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng; bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái; bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia; hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương; năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí; hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia [5].

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.