CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường khu vực phia Bắc

0

Hội nghị giao ban tài nguyên và môi trường các tỉnh phía Bắc năm 2019 đã đặt ra nhiều vấn đề môi trường cần tập trung giải quyết. Đó là vấn đề về ô nhiễm môi trường làng nghề tồn tại đã lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để; Ô nhiễm môi trường tại lưu vực hệ thống các sông còn diễn biến phức tạp;Hoạt động sản xuất công nghiệp (khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện than…) với mật độ lớn, tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;Nguy cơ chịu tác động của các vấn đề môi trường xuyên biên giới từ phía Bắc

Ô nhiễm môi trường làng nghề tồn tại đã lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để: Khu vực phía Bắc tập trung 80% số các làng nghề trên cả nước, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh. Một số làng nghề tái chế hiện nay đang gặp nhiều vấn đề môi trường bức xúc như Chỉ Đạo (Hưng Yên), Minh Khai (Hưng Yên), làng nghề sản xuất giấy Dương Ổ (Bắc Ninh)… Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực làng nghề vốn tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa thể giải quyết được do những nguyên nhân như: Các hộ sản xuất làng nghề phân tán; các hộ có quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, diện tích chật hẹp, trình độ công nghệ lạc hậu; việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thoát nước thải.

Ô nhiễm môi trường tại lưu vực hệ thống các sông còn diễn biến phức tạp: Lưu vực hệ thống các sông tại khu vực phía Bắc (sông Cầu, Nhuệ – Đáy, Hồng – Thái Bình, Đà, Mã Chu, Cả – La) trong thời gian vừa qua xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ, đặc biệt trong cuối năm 2017 nổi lên tình hình ô nhiễm hệ thống sông Bắc Hưng Hải, khu vực hợp lưu của sông Nhuệ, sông Châu Giang (Hà Nam), sông Cầu (Bắc Giang, Bắc Ninh); nguyên nhân chủ yếu là do tiếp nhận các nước thải sinh hoạt đô thị và nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất, làng nghề trong khu vực. Mặc dù mang tính cục bộ nhưng tình hình ô nhiễm môi trường lưu vực sông đã diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, tưới tiêu của người dân.

Hoạt động sản xuất công nghiệp (khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện than…) với mật độ lớn, tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường: Khu vực miền Bắc tập trung chủ yếu các hoạt động khai thác khoáng sản của nước ta, chủ yếu là khai thác than, quặng sắt, kim loại màu. Khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng cũng là nơi tập trung phân bổ chủ yếu các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Các nhà máy nhiệt điện cũng tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Hương,…). Việc khai thác mỏ, đặc biệt là các hoạt động khai thác lộ thiên, đã làm tăng các khối lượng CTR dạng đất đá thải, khối lượng gấp vài lần lượng quặng khai thác được. Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu đã và đang gây áp lực không nhỏ lên môi trường không khí của các khu vực này. Phần lớn các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây sạt lở, ô nhiễm không khí. Thời gian qua đã xảy ra một số sự cố do hoạt động công nghiệp tại khu vực phía Bắc như sự cố vỡ bể chứa chất thải nhà máy chì, kẽm của Công ty TNHH CKC tại thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng (2016), sự cố gây hải sản chết hàng loạt do Công ty FHS Hà Tĩnh gây ra (2016),…

Nguy cơ chịu tác động của các vấn đề môi trường xuyên biên giới từ phía Bắc: Hệ thống sông Hồng có 50% nguồn nước xuất phát từ Trung Quốc. Hệ thống sông Mã, sông Cả đều có 40% lưu vực phía thượng nguồn nằm trên lãnh thổ Lào. Do đặc điểm khí tượng, đặc biệt vào mùa Đông ở miền Bắc, khi gió mùa Đông Bắc tràn xuống miền Bắc Việt Nam có nguy cơ cao chịu tác động ô nhiễm môi trường không khí từ các nguồn thải phát sinh từ các tỉnh lận cận thuộc Trung Quốc, trong đó đặc biệt là nguồn ô nhiễm phóng xạ từ ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vừa chính thức đi vào hoạt động (năm 2016), gần với biên giới trên đất liền và trên biển Việt Nam, trong đó nhà máy gần nhất chỉ cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 50km. Mặt khác, Việt Nam còn nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa, với vị trí địa lý và điều kiện khí tượng, thủy văn, khu vực phía Bắc phải đối mặt với vấn đề phát tán phóng xạ và lan tuyền tầm xa. Trong năm 2017, kết quả quan trắc tại biên giới phía Bắc cho thấy tần suất ô nhiễm mưa axit cao hơn những năm trước, do đó rất cần lưu ý các hiện tượng ô nhiễm xuyên biên giới từ phía Bắc.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.