Khu vực phía Tây huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) được đánh giá là hành lang quan trọng để bảo tồn loài Chà vá chân xám và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng. Vì vậy, địa phương này có chủ trương sẽ lập Khu bảo tồn thiên nhiên tại đây.
Giá trị đa dạng sinh học cao
Theo kết quả khảo sát nhanh của Trung tâm Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI) tại Việt Nam trong năm 2022 đã quan sát được 10 đàn Chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ với khoảng 169 cá thể. Đây là loài cực kỳ nguy cấp theo phân hạng của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, nằm trong danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và là loài được ưu tiên bảo tồn theo Quyết định số 628 của Thủ tướng Chính phủ.
Các tổ chức trên nhận định, nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn Chà vá chân xám sinh sống ở đây. Các kết quả nghiên cứu trước đó còn cho thấy, khu vực này có giá trị đa dạng sinh học cao với 580 loài động vật và 698 loài thực vật các loại. Trong đó có 45 loài nguy cấp, quý hiếm, có giá trị cao về kinh tế và khoa học; 28 loài được ghi vào Danh mục đỏ IUCN 2017.
Bởi có vị trí tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên An Toàn (tỉnh Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai), nên khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ còn được giới chuyên gia đánh giá là hành lang quan trọng để bảo tồn loài Chà vá chân xám nói riêng, các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung và có ý nghĩa quan trọng trong kết nối hành lang đa dạng sinh học.
Đàn Voọc chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ (Ảnh: Võ Hà)
Thêm nguồn lực
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tiếp nhận dự án bảo tồn đa dạng sinh học do Tổ chức Fauna & Flora International (FFI)-Chương trình Việt Nam tài trợ. Dự án được triển khai thực hiện tại 3 xã, bao gồm: Ba Xa, Ba Nam và Ba Lế thuộc huyện Ba Tơ và các vùng lân cận tỉnh Quảng Ngãi.
Mục tiêu của dự án là bảo vệ các khu rừng giàu động vật hoang dã và trữ lượng các-bon cao thuộc huyện Ba Tơ và các vùng lân cận trung tâm Trường Sơn của Việt Nam, bảo vệ tính đa dạng sinh học cao của chúng và các tài nguyên thiết yếu, các dịch vụ hệ sinh thái mà chúng cung cấp cho các thế hệ tương lai.
Theo đó, từ năm 2023 đến năm 2025, dự án sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thành lập khu rừng đặc dụng tại tỉnh Quảng Ngãi gồm khu rừng thuộc huyện Ba Tơ, thúc đẩy công tác quản lý các khu rừng tại các huyện lân cận. Trong đó, xây dựng dữ liệu về đa dạng sinh học bao gồm các loài thú mặt đất và linh trưởng được thu thập để phát triển kế hoạch bảo tồn loài và báo cáo tiền khả thi khu vực bảo tồn; xác định ranh giới khu bảo tồn trên thực địa và cả ranh giới theo truyền thống.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý cho các Ban Quản lý rừng thông qua áp dụng công cụ tuần tra SMART và bảo đảm tuân thủ các chính sách an toàn xã hội trong quá trình thành lập khu bảo tồn.
Dự án cũng hướng tới triển khai các sự kiện truyền thông, hội thảo thúc đẩy quá trình thành lập rừng đặc dụng và sự cần thiết hình thành khu dự trữ thiên nhiên Tây huyện Ba Tơ; giúp địa phương xây dựng phương án hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sinh sống xung quanh khu vực bảo tồn.
Việc Tổ chức FFI – Chương trình Việt Nam hỗ trợ nguồn lực tài chính là vô cùng cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp tỉnh Quảng Ngãi nhanh chóng xúc tiến thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên tại huyện Ba Tơ.